Camille Paris (1856-1908) sinh tại Lunéville, Pháp và mất tại Phú Phong, Bình Định, thuộc xứ bảo hộ Trung kỳ, từng là một nhà khảo cổ và viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp. Camille đã tham gia chiến dịch Bắc kỳ 1884-1885, sau đó đảm trách xây dựng đường điện báo tại Trung kỳ từ năm 1885 đến năm 1889. Ông rất say mê bản đồ học, khảo cổ học và dân tộc học và được biết đến nhiều nhất bởi công lao phát hiện ra thánh địa Mỹ Sơn năm 1889, trong một cuộc thám hiểm vào lãnh thổ Chàm. Cuộc đời ông có thể coi là một tấm gương dấn thân của người Pháp tại Đông Dương thuộc địa vì những hăng hái, say mê, ham học hỏi và những đóng góp quý báu cho dải đất Trung kỳ bên cạnh những tên tuổi khác như Navelle, Lemire và Aymonier. Ông đã bỏ mạng trong rừng rậm Trung kỳ, sau đó được chôn cất tại Quy Nhơn.
Tác phẩm Du ký Trung kỳ theo đường cái quan (tựa gốc: Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine) của Camille Paris được viết trên nền trải nghiệm sâu sắc thực địa trong quá trình xây dựng đường điện báo nối kinh đô Huế với Nam kỳ. Đường cái quan dài khoảng 1.700 cây số, là huyết mạch nối các thành thị lớn từ Bắc tới Nam, khởi đi từ Hà Nội thuộc Bắc kỳ và tới Sài Gòn thuộc Nam kỳ, xuyên qua kinh đô Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Trong vai trò là một nhà bản đồ học, Camille Paris hoàn toàn bị cuốn hút bởi con đường huyền thoại này và bắt đầu Du ký Trung kỳ từ Huế, vượt đèo Hải Vân, rong ruổi tới tận Bình Thuận, xuyên suốt hành trình ông đã mô tả cặn kẽ thời sự, lịch sử và văn hóa của mỗi một nơi chốn.
Du ký Trung kỳ theo đường cái quan đặc biệt hơn cả là ở bộ địa danh dày đặc, lý thú mà nhiều trong số đó đến nay đã chìm vào quên lãng. Xoay quanh các đô thị trung tâm, tác giả còn đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của các tầng lớp xã hội: quan lại, lính tráng, phu phen và có nhiều đánh giá xác đáng về kinh tế, thương mại, tôn giáo của mỗi địa phương. Cuốn sách này vì vậy xứng đáng được các nhà nghiên cứu để tâm và cần thiết cho những độc giả muốn hiểu hơn về một dải đất Trung kỳ tráng lệ và đau thương trong quá khứ.
